“Gặp gỡ Hàn Quốc 2025”: Kết nối hợp tác giữa các địa phương phía Bắc với đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc
- Người viết: Gia Định Group lúc
- Tin tức
Ngày 14/5, tại tỉnh Hưng Yên, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” năm 2025. Hội nghị nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác thương mại, công nghiệp, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số giữa Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương khu vực phía Bắc và các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tham dự hội nghị có Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ngài Choi Youngsam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng gần 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc; Đại diện Tập đoàn Gia Định. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, tham gia tọa đàm tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2025” có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), 10 năm tổ chức chuỗi sự kiện nhiều ý nghĩa này tại Việt Nam.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2022. Đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam với 10.128 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD. Hàn Quốc cũng đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch, và đứng thứ ba về thương mại với Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% tổng đầu tư và 50% kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với khu vực. Hai nước cũng đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030, theo hướng cân bằng, bền vững.
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong năm 2025 là tăng trưởng đạt 8%, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo nhịp để đạt tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, trên tinh thần “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh” để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã tham gia tọa đàm, chia sẻ, thảo luận cơ hội đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thúc đẩy thu hút đầu tư, giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên tọa đàm, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, đã khái quát về những tiềm năng, thế mạnh của Lạng Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, bên cạnh phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung phát triển đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, tham dự tọa đàm chia sẻ về môi trường đầu tư tỉnh Lạng Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định tỉnh luôn mong muốn mời gọi, hợp tác với các tập đoàn hoạt động trên các lĩnh vực để thực hiện đầu tư vào tỉnh, trong đó tỉnh cũng rất quan tâm và mong muốn hợp tác với các tập đoàn của Hàn Quốc, đặc biệt trong các khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tỉnh Lạng Sơn cam kết luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong trong suốt quá trình triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.
Nhằm thu hút đầu tư, cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi riêng của tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh như: ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tiền thuê đất; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo lao động cho mỗi dự án… Đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu thêm để ban hành một số chính sách ưu đãi riêng đối với từng nhà đầu tư khi đầu tư vào từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Đối với các cụm, khu công nghiệp đã được phê duyệt đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện có cụm, khu công nghiệp trên địa bàn… tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất cho nhà đầu tư, đặc biệt tại dự án Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn và dự án Cụm Công nghiệp Hồ Sơn 1.
Đại diện Tập đoàn Gia Định và Ban Lãnh Đạo tỉnh Lạng Sơn tại hội nghị Gặp Gỡ Hàn Quốc 2025
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn đánh giá Gặp gỡ Hàn Quốc 2025 đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn, là Hội nghị kết nối quốc tế liên vùng quy mô lớn.
Đồng thời cho rằng sự tương đồng, chia sẻ về văn hóa, ổn định chính trị và cải cách mạnh mẽ về các thủ tục hành chính, là những thuận lợi để các nhà đầu tư Hàn Quốc chọn Việt Nam là nơi làm việc, gắn bó lâu dài, và cùng nhau tạo ra những phát triển đột phá mới.
Trong khuôn khổ sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2025", Ban Tổ Chức trao học bổng khuyến học; ký kết biên bản hợp tác; tổ chức các phiên thảo luận với các chủ đề: Thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc trong kỷ nguyên mới; đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức các cuộc gặp giữa Đại sứ, Phó Đại sứ Hàn Quốc và lãnh đạo địa phương Việt Nam; kết nối chính quyền, doanh nghiệp hai nước. |